Annie Dillard đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với tôi vào những năm tôi mới bắt đầu bước chân vào con đường tu tập. Tôi đã đọc quyển “Người hành hương tại con suối Tinker” của bà rất nhiều lần. Trong quyển ấy có một đoạn đã làm tôi xúc động thật mạnh. Bà ghi lại, có một lần trong khi bà đi xuyên qua rừng, trên đường trở về căn nhà gỗ của mình tại con suối Tinker, nơi đây bà sống suốt một năm trời trong rừng vắng để tiếp xúc với thiên nhiên. Rõ ràng là lúc ấy tâm bà rất tĩnh lặng, sự chú ý của bà rất cao, và bà đang sống trong một trạng thái gần như tiếp xúc được hết với mọi sinh vật có mặt chung quanh bà. Lẽ dĩ nhiên, đây là một trạng thái tâm thức mà từ đó người ta có thể có được những tuệ giác rất khác thường.

    Ngày hôm ấy, trên đường trở về căn nhà nhỏ, bà chợt thấy một cây tùng bên đường bốc rực lửa. Tôi biết, khi đọc những dòng ấy, không phải bà muốn nói là cây tùng ấy đang bốc cháy thật sự. Tôi nghĩ có lẽ bà muốn diễn tả cây tùng ấy có tỏa ra một hào quang hoặc một ánh sáng chói chang nào đó. Sự kiện ấy, tự chính nó, tôi nghĩ không có gì là lạ thường hết, nhưng vì bà đã nhìn nó bằng một con mắt khác thường. Bà diễn tả lại giây phút ấy như có một năng lượng chuyển hóa rất lớn, và viết rằng bà sống cho những ảnh tượng như vậy.

Và tôi cũng muốn mình sẽ có được một cây tùng rực lửa giống như thế. Tôi nghĩ rằng nếu tâm ta tĩnh lặng đủ, nó sẽ bùng sáng lên như một ngày lễ lớn, có pháo bông rực sáng trong nội tâm, không cần biết bên ngoài là đêm hay ngày. Tôi nghĩ có lẽ tôi cũng ít nhiều đã bị ảnh hưởng vì cuốn phim Yellow Submarine của ban nhạc the Beatles, trong màn đầu mọi vật đang trắng đen đột nhiên trở nên đầy màu sắc. Tôi muốn thế giới của tôi cũng được bừng sáng, rực rỡ màu sắc như thế.

Khi tiếp tục thiền tập, đôi khi tôi cũng có lúc kinh nghiệm được những giây phút có những sự kiện thú vị xảy ra trong thân và tâm. Có lúc tôi cảm thấy cơ thể mình lâng lâng vui sướng, thân tôi rung động mạnh vì một niềm hỷ lạc, màu sắc chung quanh tôi dường như sắc sảo hơn, đường viền của những chiếc lá chừng như rõ nét hơn. Thực phẩm trong khóa tu có những hương vị thơm ngon hơn bình thường. Nhưng nó không có nghĩa là một trái táo khô sẽ trở nên mọng nước hơn. Một trái táo khô sẽ vẫn là một trái táo khô, tôi biết vậy. Và hương vị ngọt ngào sẽ vẫn là hương vị ngọt ngào, và tôi cũng biết vậy. Nhưng không có gì bốc lửa, không có gì tỏa hào quang, và cũng không có một trời hoa pháo nào xảy ra trong tâm tôi. 

Một hôm, sau nhiều năm tu tập, trong một khóa tu thiền, tôi đi dạo ra bên ngoài tu viện và ngồi xuống trên một chiếc băng gỗ cạnh cửa sau, chờ vài phút cho đến giờ ăn trưa. Ngày hôm ấy trời có nhiều sương mù và mây xám. Tu viện là một tòa nhà cũ kỹ nằm yên trong một khung cảnh buồn tẻ. Trời tháng hai California u ám và tẻ nhạt. Chiếc băng ghế ngồi lạnh lẽo. Phía trước mặt tôi là một thân cây, vẫn còn trơ trụi vì những nụ lá xanh chưa nở. Tôi tự nghĩ: “Không biết đây có phải là cây tùng của mình không!”

Tôi nhắm mắt lại và chú ý đến hơi thở của mình. Tôi cảm nhận được thân mình đang ngồi trên chiếc băng ghế lạnh. Tôi cảm giác được không khí ẩm ướt chung quanh. Tôi cảm thấy rất thư thái. Tôi bắt đầu thấy thích chiếc băng ghế lạnh, tôi thích sự cứng chắc của nó, tôi thích hơi sương lành lạnh chung quanh tôi. Tôi ý thức là mình đang có hạnh phúc. Tôi thấy hơi đói nhưng vẫn thấy là hạnh phúc. Rồi chuông báo hiệu giờ ăn trưa vang lên. Tôi nghe tiếng chuông, tôi thích âm thanh ấm áp ấy, nhưng tôi không cảm thấy một sự thúc đẩy nào bảo tôi phải đứng dậy để đi vào trong nhà sắp hàng. Tôi vẫn ngồi yên đó.

Đột nhiên, tôi ý thức được đây là một kinh nghiệm khá đặc biệt, và sự kiện là không có một sự thúc đẩy nào khởi lên trong tôi, bắt tôi đi làm một chuyện khác, là phi thường lắm. Đây là một tiếng chuông kêu gọi tôi đi vào nhà làm một công việc thú vị hơn, trong một khung cảnh ấm cúng hơn, và dù vậy trong tâm tôi không hề có một ý muốn nào khởi lên bảo tôi phải thay đổi hoàn cảnh hiện tại của mình. Tôi hoàn toàn mãn nguyện. Tôi tự nghĩ:“Hay thật! Mãn nguyện là một trạng thái tâm thức kỳ diệu nhất. Nó khác thường vô cùng.” Tôi lại nghĩ tiếp: “Có lẽ đây là giây phút giác ngộ của tôi. Có lẽ nếu tôi mở mắt ra, thân cây trước mặt tôi sẽ ngời sáng và tỏa chiếu hào quang.” Tôi rụt rè nhút nhát, từ từ mở mắt ra. Thân cây trước mặt tôi vẫn không có một chút gì thay đổi, nó vẫn thật tầm thường. Nhưng tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Thỉnh thoảng trong tôi cũng vẫn còn ước vọng về một cây tùng rực lửa. Thường thường, những lúc nào tôi cảm thấy thật tĩnh lặng và an lạc, tôi lại có một ý nghĩ: “Cảm giác này thật kỳ diệu, có lẽ bây giờ là lúc cây tùng bốc lửa của mình xuất hiện đây!” Nhưng chuyện ấy chưa bao giờ xảy ra! Mà thật ra tôi nghĩ đó cũng là một điều may mắn cho tôi. Nếu tôi có thấy được một lần, nó chắc chắn sẽ không kéo dài lâu và rồi cũng qua đi, nhưng tôi lại bắt đầu tìm kiếm để mong được thấy thêm một cây tùng khác nữa. Điều đó sẽ thành một chướng ngại lớn.

Những cây tùng rực lửa ấy hiếm hoi và khó xảy ra lắm. Nhưng những giây phút an lạc thì có thể có mặt trong mỗi giây mỗi phút trong cuộc đời. Thật ra, mỗi giây phút của ta đều có tàng chứa sự an lạc. Sở dĩ ta không tiếp xúc được với chúng chỉ vì tâm ta chưa tĩnh lặng và trong sáng đó thôi.